10 Việc bạn cần làm ngay trước khi mang thai
Mang thai là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời một phụ nữ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng và quan tâm đặc biệt. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai không chỉ giúp tăng khả năng thành công trong việc thụ tinh mà còn đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Dưới đây là một số bước quan trọng mà mẹ nên thực hiện để chuẩn bị cho giai đoạn mang thai một cách tốt nhất.
1. Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Đây là một việc quan trọng cần làm trước khi quyết định mang thai. Hãy thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Danh mục khám sức khỏe trước khi mang thai. Nguồn: Procare
Kiểm tra trước khi mang thai giúp xác định tình trạng sức khỏe của bạn để kịp thời điều trị hoặc theo dõi trong quá trình mang thai.
2. Bổ sung Axit Folic
Axit folic là một dạng của vitamin B, rất quan trọng trong giai đoạn đầu của thai kỳ, giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Mẹ nên bắt đầu bổ sung axit folic trước khi mang thai và tiếp tục suốt giai đoạn mang thai.
3. Tiêm phòng trước khi mang thai
Phụ nữ khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Vì vậy, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Đảm bảo bạn đã tiêm các mũi cần thiết như tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu,…. Một số bệnh có thể gây hại cho thai nhi nếu mẹ mắc phải chúng trong thai kỳ.
4. Duy trì lối sống lành mạnh
Mẹ cần duy trì một lối sống lành mạnh bằng việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, canxi, sắt.
Tập thể dục thường xuyên
Bố mẹ cần sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Điều này giúp cân bằng hormone, tạo môi trường thuận lợi cho thai kỳ và duy trì một thể trạng cơ thể tốt nhất.
Tập thể dục thường xuyên trước khi mang thai
5. Ngừng hút thuốc, tránh rượu bia và các chất kích thích
Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nước có ga, café… thì hãy dừng ngay bây giờ. Việc sử dụng thuốc lá và các chất gây nghiện có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, bé sinh ra nhẹ cân. Nam giới hút thuốc lá thường xuyên sẽ giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng dến khả năng thụ thai.
6. Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại
Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như chì, mỹ phẩm, thủy ngân...trong môi trường làm việc hoặc gia đình của bạn.
7. Giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Học cách cân bằng cảm xúc, giảm căng thẳng thông qua thiền, yoga, hoặc các phương pháp thư giãn khác để cải thiện tâm trạng.
Ngồi thiền, tập yoga để giữ tâm trí thư giãn, thoải mái trước khi mang thai
8. Tìm hiểu về quá trình mang thai, tính ngày rụng trứng
Nếu bạn đang mong ngóng có em bé, đừng quá sốt ruột. Hãy đọc sách báo, tìm hiểu về quá trình thụ thai, mang thai. Tìm hiểu về thời gian rụng trứng giúp tăng khả năng thụ thai.
Thời gian tối ưu để thụ thai (11-21 ngày từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối) lúc này dịch nhầy âm đạo tiết ra nhiều, trở lên mỏng và trơn hơn, khả năng thụ thai cao hơn.
9. Chuẩn bị tâm lý
Mang thai là một quá trình dài, có thể bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: sức khỏe của em bé, ốm nghén, chế độ ăn uống, thay đổi trong cảm xúc, áp lực về vẻ ngoài, tài chính... Những yếu tố này gây căng thẳng cho cả vợ và chồng, có thể dẫn đến trầm cảm trong và sau khi sinh. Vì vậy bạn cần có kế hoạch, thời gian dự định có thai và một tâm lý thật vững vàng để có sự chuẩn bị tốt hơn cho thai kỳ. Lúc này, sự giúp đỡ và quan tâm của người thân cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
10. Chuẩn bị tài chính
Chuẩn bị tài chính trước khi mang thai
Có thêm một thành viên mới trong gia đình, vợ chồng bạn sẽ có nhiều thứ phải lo lắng hơn, đặc biệt về tài chính. Vì vậy, trước khi mang thai, bạn nên cân nhắc tình hình tài chính hiện nay của cả hai vợ chồng như thế nào? Một số khoản chi phí cơ bản bạn cần chú ý:
- Chi phí khám thai định kỳ và sinh đẻ
- Chi phí quần áo, thuốc men cho mẹ
- Chi phí quần áo và vật dụng cá nhân cho bé
- Chi phí sữa cho con
- Chi phí dự phòng bất trắc, bệnh tật
- Chi phí trong thời gian nghỉ thai sản
Với việc xác định các khoản phải chi tiêu như trên, các cặp vợ chồng sẽ xác định chi phí hàng tháng hết bao nhiêu, có thể tiết kiệm được chừng nào và kế hoạch tạo dựng thêm nguồn thu nhập mới để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé.
Một số mẹo giúp các cặp đôi vợ chồng chuẩn bị tài chính khoa học, hiệu quả nhằm giảm bớt nỗi lo tài chính khi sinh con: không sắm quá nhiều đồ bầu, mua bảo hiểm thai sản, hạn chế chi phí sinh hoạt không cần thiết, mở sổ tiết kiệm hoặc tiết kiệm với heo đất.
Chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai là một phần quan trọng của hành trình làm mẹ. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe và khả năng thụ tinh mà còn tạo điều kiện tốt cho thai kỳ và sự phát triển của thai nhi. Hãy tìm hiểu kỹ về sức khỏe của bạn, tuân thủ lối sống lành mạnh và tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để đảm bảo một hành trình mang thai khỏe mạnh và thành công.