5 Cách dạy bé tập đi hiệu quả
Đối với các bậc cha mẹ, không có niềm hạnh phúc nào bằng việc được nhìn thấy con phát triển, trưởng thành từng ngày. Từ giai đoạn con biết lật, biết ngồi, biết bò cho đến khi tập đi... tất cả đều là những cột mốc phát triển quan trọng và đáng nhớ trong cuộc đời của trẻ.
Hầu hết trẻ 12 tháng tuổi đã có thể bước những bước đi đầu đời, song vẫn có một số trẻ biết đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu các mốc phát triển của con, để có sự đánh giá chính xác, hỗ trợ con kịp thời nhé.
Để có thể tự tin bước đi, trẻ sẽ phải trải qua 4 giai đoạn chính:
- 6 tháng: Trước khi biết đi, bé phải biết đứng và biết cách đặt trọng tâm của cơ thể lên chân. Lúc này, bé vẫn chưa đứng vững nên vẫn cần bạn hỗ trợ
- 9 – 12 tháng: Khi đã biết đứng, bé sẽ học cách nâng phần thân lên để tự đứng dậy. Đây là lúc bé có thể tự đứng một mình bằng cách vịn vào một vật nào đó. Bé bắt đầu bước từng bước nhỏ bằng cách vịn vào các vật xung quanh. Tình hình này sẽ tốt hơn khi bé được 12 tháng.
- 13 – 17 tháng: Đến giai đoạn trung gian, bé tự học cách đứng lên và bước đi khi ngã
- 18 tháng: Bé đã có thể tự đi mà không cần hỗ trợ hay vịn vào đồ đạc. Ngoài ra, bé cũng đi được khoảng cách xa hơn và gần như làm chủ kỹ năng này.
Bố mẹ tìm hiểu các mốc phát triển để kịp thời hỗ trợ con
Theo tổ chức Y tế Thế giới, có 6 mốc vận động để đánh giá sự phát triển vận động bình thường của trẻ bao gồm:
- Từ 4-9 tháng: Ngồi không cần đỡ
- Từ 5-11.5 tháng: Đứng vịn
- Từ 5-13.5 tháng: Bò phối hợp tay chân
- Từ 6-14 tháng: Vịn đi
- Từ 7-17 tháng: Đứng vững
- Từ 8-18 tháng: Đi vững
Nếu sau mốc thời gian kể trên bé vẫn chưa vận động đạt chuẩn thì gọi là chậm vận động theo tuổi, mẹ cần hỗ trợ, hướng dẫn con hoặc cho con đi khám bác sỹ nhé.
5 Cách dạy bé tập đi hiệu quả
1. Khuyến khích bé với lấy đồ chơi (áp dụng bé từ 6 tháng trở lên)
Ba mẹ có thể hỗ trợ bé đứng dậy và nhờ một người khác đưa cho bé món đồ chơi yêu thích. Bé sẽ rướn người cao hơn và với lấy món đồ chơi. Hoạt động này sẽ giúp trẻ phát triển hệ cơ và khớp để giữ thăng bằng cơ thể.
2. Giúp bé nhảy múa theo nhạc (bé từ 8 tháng trở lên)
Ba mẹ có thể mở bài nhạc bé yêu thích, đỡ bé dậy, nắm tay và giúp bé di chuyển cơ thể theo điệu nhạc. Điều này sẽ giúp rèn luyện đôi chân chịu được sức nặng của cơ thể. Kết hợp với chuyển động nhảy múa, di chuyển giúp bé thay đổi trọng tâm cơ thể và giữ thăng bằng tốt hơn.
Mở bài nhạc bé yêu thích, giúp bé nhún nhảy theo nhạc
3. Dạy bé tập đi bằng hoạt động đẩy và kéo (Bé trên 12 tháng)
Khi trẻ được 12 tháng tuổi, ba mẹ hãy cho con chơi cùng xe tập đi để con biết đẩy và kéo. Hoạt động này không chỉ tạo sự hứng thú mà còn giúp trẻ học cách điều khiển đồ vật và khám phá thế giới xung quanh.
4. Cho trẻ ngồi xổm (bé trên 12 tháng)
Ngồi xổm cũng là cách dạy bé tập đi nhanh. Bởi hoạt động này sẽ giúp trẻ đang tập đi phát triển cơ bắp khỏe mạnh và nâng cao khả năng giữ thăng bằng. Ba mẹ có thể thực hiện bằng cách nhờ trẻ cúi người xuống và nhặt một món đồ chơi. Sau đó cho trẻ tự đứng dậy và đem đồ chơi về đích.
5. Cho trẻ leo trèo (bé trên 12 tháng)
Leo trèo cũng là một kỹ năng giúp bé mới biết đi phát triển thể chất tốt. Vì vậy, ba mẹ đừng vì quá lo lắng sự an toàn của con mà cấm cản con leo trèo. Điều quan trọng là ba mẹ cần đảm bảo cố định những đồ dùng, vật dụng trong nhà và luôn quan sát, theo dõi trẻ.
Khi bé tự đi được, bạn đừng cố đỡ bé. Thay vào đó, bạn hãy đóng vai trò như một người bảo vệ. Như vậy, bé sẽ học được cách giữ thăng bằng cơ thể trên chính đôi chân của mình. Việc này không chỉ đòi hỏi sự vận động của chân mà còn cần đến sự kết hợp của não và tai.